TẠI SAO PHẢI XEM NGÀY CƯỚI HỎI ?
Vợ chồng là mối quan hệ do duyên phận trời định mà nên. Tuy nhiên, theo quan điểm truyền thống, tương lai gia đình có hạnh phúc, tốt đẹp hay không phải phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác, trong đó ngày tháng năm cưới hỏi có ảnh hưởng rất lớn.
Cưới vào ngày tốt, năm phù hợp chính là tiền để mang lại may mắn trong tương lai cho cặp vợ chồng. Gia đình hòa thuận, con cái đông đủ, ngoan ngoãn, thành đạt. Công danh sự nghiệp vợ chồng thăng tiến.
Ngược lại, nếu cưới vào ngày xấu, phạm nhiều điều kiêng kỵ tức là mở đầu cho một cuộc hôn nhân sai lần, không hạnh phúc, dễ đổ vỡ.
Ngoài ra, coi ngày cưới hỏi còn nói lên sự coi trọng của hai bên gia đình về cuộc hôn nhân. Vì thế, đây được coi là thủ tục trước khi cưới mà cặp đôi nào cũng phải thực hiện. Nó giúp đôi bạn trẻ hiểu được giá trị thiêng liêng của cuộc hôn nhân, từ đó gắng sức vun đắp, xây dựng mái ấm gia đình.
KINH NGHIỆM XEM NGÀY CƯỚI TỐT VÀ NGÀY CƯỚI XẤU
Theo các chuyên gia Thuật số học: Xem ngày cưới hỏi nên chọn các ngày sau: Ngày bất tương (sao bất tương), ngày Hoàng đạo, ngày Tốc hỷ, ngày Đại An. Đồng thời để tránh những ngày xấu, hắc đạo để không ảnh hưởng đến cuộc hôn nhân. Đặc biệt nếu phạm Kim lâu thì năm tuyệt đối không thể cưới được. Vì năm hạn này sẽ làm xấu đi mối quan hệ vợ chồng trong tương lai. Cho nên tuyệt đối tránh kết hôn khi cô gái đến tuổi Kim Lâu.
Xác định ngày cưới tốt
Khi lập kế hoạch đám cưới, ông bà ta thường xem ngày cưới tốt nhất để nên duyên vợ chồng cho đôi lứa. Và thật là may mắn nếu như chọn được ngày đúng vào ngày Bất Tương thì quả là sự may mắn càng được nhân đôi. Bất là không và tương có ý nghĩa là tương hợp. Có thể hiểu là không bị Âm tương, Dương Tương, không bị cụ Tương và bất tương được xem là ngày đại kiết để dựng vợ gả chồng.Ngày hoàng đạo Nếu ngày bất tương là ngày đẹp, âm dương được cân bằng thì ngày hoàng đạo là ngày đẹp có các sao tốt chiếu. Không chỉ trong cưới hỏi mà ngày hoàng đạo luôn là căn cứ lựa chọn để thực hiện mọi công việc. Đặc biệt là những công việc trọng đại trong đời. Bởi khi công việc thực hiện trong ngày này đều được xem là may mắn cho sự khởi đầu. Ngược lại tuyệt đối tránh ngày hắc đạo để những điều xấu sẽ không có cơ hội xảy ra.
“Đại” có nghĩa là lớn, là rộng, là sâu, là bền, là vững mạnh, chắc chắn, lâu dài, ổn định, “an” có nghĩa là bình an, được bảo vệ che chở, vui vẻ, hạnh phúc, thành công, thuận lợi, suôn sẻ, yên ả…Như vậy, Đại an là ngày có ý nghĩa là mang lại sự bình an, yên ổn, thịnh vượng, thành công, may mắn, bền vững trường tồn kéo dài. Như vậy, căn cứ vào đặc điểm của trạng thái Đại an là gì trong Lục diệu ta sẽ thấy quẻ này cát lợi về nhiều phương diện, góc độ. Nó hoàn toàn không có mặt hạn chế, bất cập nào cả. Chính vì lẽ đó nhiều công việc tốt cho ngày Đại An như sau: Nhập học, nhậm chức, khai trương, cầu tài, xuất hành, ký kết hợp đồng, động thổ xây dựng nhà cửa, tổ chức hôn lễ, mua sắm phương tiện giao thông, cầu thầy bốc thuốc trị bệnh, an táng, cải táng… gặp được ngày này chủ nhân sẽ vinh hiển, đại cát, thăng tiến, tài lộc dồi dào, gia đạo an khang, phúc lộc đầy nhà.
Xác định những ngày xấu cho lễ cưới
Xem ngày cưới nên tránh các ngày khắc với bản mệnh của Chú rể, Cô dâu. Để tránh gặp tai ương ảnh hưởng đến hạnh phúc trong tương lai của vợ chồng trẻ. Đó là ngày Tam nương, ngày có các sao xấu như Sát chủ, Không phòng, Không sàng, Tứ thời cô quả, Kiếp sát…Tránh các trực Phá, Kiên, Bình, Thu.
Khi xem ngày cưới hỏi theo tuổi, điều quan trọng là hai bên phải tránh năm hung- năm Kim Lâu. Những người tin tưởng vào tử vi cho rằng nếu tổ chức cưới hỏi vào năm Kim Lâu, sẽ bị hại cho bản thân, cho người mình sắp cưới, có hại cho con cái, thậm chí có hại cho đại gia súc, gia cầm trong nhà. Ông cha ta truyền dạy “Một, ba, sáu, tám Kim Lâu. Làm nhà, cưới vợ, tậu trâu thì đừng”.
Cách tính tuổi Kim Lâu khác nhau theo từng nguồn, đòi hỏi người tính phải nắm vững được phương pháp. Nhưng tất cả các nguồn đều đồng ý rằng “lấy vợ xem tuổi đàn bà, làm nhà xem tuổi đàn ông”. Vì vậy, để chọn năm cưới hỏi, đôi bên gia đình phải tính xem năm tuổi của người phụ nữ có phải năm Kim Lâu không.
Cách tính phạm Kim Lâu là lấy tuổi mụ của nữ để chi cho 9 nếu dư: 1,3,6,8 nghĩa là đã phạm vào Kim Lâu. Nếu tổ chức đám cưới sẽ không tốt cho cuộc sống của hai vợ chồng và đường con cái. Nếu muốn xem ngày cưới vào những năm Kim Lâu thì phải đợi qua ngày Đông Chí, là ngày rơi vào dịp cuối năm.
Để tính tuổi Kim Lâu của người nữ, người xưa truyền lại phương pháp tính 1- 3- 6- 9. Nhưng một số thành viên trong các diễn đàn uy tín về lý số, phong thủy lại chia sẻ, tuổi Kim Lâu phải được tính như sau:
+ Cách tính 9 ô: Lấy tuổi mụ của người nữ chia cho 9, nếu số dư là 1- 3- 6- 8 thì đó là tuổi Kim Lâu.
+ Cách tính 10 ô: Lấy tuổi mụ của người nữ chia cho 10, nếu số dư là 0- 2- 6- 8 thì năm đó phạm tuổi Kim Lâu.
Bên cạnh đó, việc cưới gả nhất thiết cần tránh những ngày: Thiên đả, Thiên lôi, Tam cường, Tam nương, Sát chủ, Thiên ma.
– Ngày Thiên đả tháng nào cũng có. Đó là vào các ngày sau: Tháng giêng, hai, ba là ngày Dần, Sửu, Tuất. Tháng 4,5,6 là ngày Tị, Thìn, Hợi. Tháng 7,8,9 là các ngày Ngọ, Mão, Tí. Tháng 10,11,12 là các ngày Mùi, Thìn, Dậu.
– Ngày Thiên lôi chỉ xuất hiện trong 1 số tháng của năm. Đó là ngày Tí của tháng giêng và tháng 7, ngày Ngọ của tháng 4 và tháng 10, ngày Thân của tháng 5 và tháng 11, ngày Tuất của tháng 6 và tháng 12.- Ngày Thiên ma xuất hiện nhiều trong cả năm. Cụ thể vào 3 tháng mùa xuân, ngày Thiên ma là các ngày Mùi, Tuất, Hợi. Ba tháng hạ nó là các ngày Thìn, Tị, Tý. Ba tháng thu nó là ngày Thân, Dậu, Sửu. Ba tháng đông nó là các ngày Dậu, Mão, Ngọ.
– Ngày Tam cường là các ngày mồng 8, 18, 28 hàng tháng.
– Ngày Tam nương là các ngày 3, 7, 13, 18, 22, 27 hàng tháng.
– Đặc biệt, ngày sát chủ là ngày đại kỵ không chỉ với việc hôn nhân mà trong hầu hết các công việc lớn như khai trương, động thổ, bỏ nóc… người ta đều kiêng. Trong các tháng, ngày đó là các ngày như sau: Tháng giêng ngày Tị, tháng hai ngày Tý, tháng 3 ngày Mùi. Tháng 4 ngày Mão, tháng 5 ngày Thân, tháng 6 ngày Tuất, tháng 7 ngày Sửu. Tháng 8 ngày Hợi, tháng 9 ngày Ngọ, tháng 10 ngày Dậu, tháng 11 ngày Dần, tháng 12 ngày Thìn.
Ngoài ra, người miền Bắc cũng kiêng cưới xin vào ngày cuối tháng hay đầu tháng âm lịch, còn người miền Nam kiêng cưới vào ngày rằm, mùng một hay ngày Phật đản vì đó là những ngày ăn chay, nhiều người sẽ không tới dự tiệc cưới mặn, và đặc biệt thì những ngày rằm mùng 1 còn kiêng chuyện động phòng, không chọn xem ngày cưới vào những ngày này.
Nếu cô dâu chú rể đang gặp hạn Tam Tai thì cũng tránh kết hôn. Trong đó, người tuổi Thân-Tí-Thìn gặp Tam tai vào năm Dần-Mão-Thìn; người tuổi Dần-Ngọ-Tuất gặp Tam tai vào năm Thân-Dậu-Tuất; người tuổi Tị-Dậu-Sửu gặp Tam tai vào năm Hợi-Tí- Sửu, người tuổi Hợi-Mão-Mùi gặp Tam tai vào năm Tị-Ngọ-Mùi.
Hơn nữa, ông bà ta còn xét tới một số hung niên mà con trai kị lấy vợ, con gái kị gả chồng. Ví dụ con trai tuổi Tí kị lấy vợ năm Mùi, con gái tuổi Tí kị lấy chồng năm Mão…
NHỮNG ĐIỀU KIÊNG KỴ KHI TỔ CHỨC ĐÁM CƯỚI
Xem ngày cưới hỏi chỉ là bước đầu tiên trong kế hoạch cưới. Sau khi chọn được ngày lành, tháng tốt, cô dâu chú rể còn phải chuẩn bị rất nhiều thứ để đám cưới được diễn ra như ý. Trong đó, không thể thiếu được công đoạn tìm hiểu nghi lễ truyền thống để tránh phạm phải những điều kiêng kị trong đám cưới.
Chẳng hạn như đón dâu, lễ gia tiên, đãi tiệc đều phải chọn được giờ Hoàng Đạo. Thời gian tốt là lúc một trong sáu vị thần Thanh Long, Ngọc Đường, Thiên Đức, Tư Mệnh, Kim Quý, Minh Đường xuất hiện.
Đón dâu phải đi một mạch từ nhà gái đến nhà trai, kiêng dừng lại dọc đường để tránh “đứt gánh giữa đàng”.
Những điều cần kiêng kỵ trong lễ cưới có rất nhiều, đôi bên gia đình nên hỏi ý kiến các bậc cao lão về gia quy và tục lệ vùng miền để không làm gì thiếu sót trong ngày cưới. Đám cưới cũng chỉ có một lần nên bạn nên bỏ công tìm hiểu thật kỹ.
Hoàng Quyên