Cưới Xin Có Nên Tránh Chọn “ngày Bảy”?
--- Bài mới hơn ---
Chuyên gia tử vi Phan Vũ Mạnh Đức: Bạn đọc thân mến!
Để làm rõ những băn khoăn của các bạn, trước hết chúng ta cần thống nhất về sát khí tốt – xấu và nguyên tắc lựa chọn ngày giờ.
Ngày giờ không có tốt – xấu, tốt xấu do âm dương, ngũ hành của ngày giờ đó sinh ra trong mối tương quan với âm dương, ngũ hành của tháng, năm, con người và sự việc cụ thể. Vì thế cùng một ngày giờ nhưng có thể tốt với người A, việc A; không tốt với người B, việc B.
Âm dương ngũ hành của ngày giờ thường xuyên thay đổi, nên cổ nhân dùng can – chi để ghi chép ngày giờ, qua đó tính toán sự tốt xấu của nó. Chẳng hạn, năm nào cũng có ngày Lập Xuân (tiết khí), nhưng tùy từng năm mà tiết lập xuân rơi vào ngày mùng 3, mùng 4 hoặc mùng 5 tháng Hai dương lịch.
Vì thế việc dùng các con số như ngày 7, ngày 3, ngày 22, ngày 27… để cố định và lựa chọn ngày tốt – xấu là không đúng; tháng cũng không tính theo các số từ 1 đến 12, mà phải tính theo tiết khí, vì mưa – nắng, nóng – lạnh, táo – thấp… hoàn toàn phụ thuộc vào tiết khí.
Phong thủy Bát trạch dành một chương phân tích, hướng dẫn chi tiết nguyên tắc và phương pháp lựa chọn ngày cưới. Các sách Thông thư, Ngọc Hạp ký, Lữ Tài… cũng dành chương mục riêng hướng dẫn về việc này.
Đây là các sách công cụ, chỉ cần biết chữ Hán là có thể căn cứ vào người và việc để tra cứu, lựa chọn ngày giờ tốt, giống như chúng ta tra từ điển, không phải là bí kíp hay bí mật gia truyền, tổ truyền…
Cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, nhiều người lợi dụng những loại sách này để kiếm kế sinh nhai, những kẻ du thủ du thực nổi lên làm thầy hoặc đội lốt sư sãi để lòe bịp dân chúng nên triều đình cho biên khảo lại Thông thư, Ngọc Hạp ký và khắc in, phát hành rộng rãi để chống “ngụy thư, man thư” (sách giả, lừa bịp).
Ngày nay, do chúng ta cách ly với cổ học, với chữ Hán hàng trăm năm; chữ Hán đã chuyển từ phồn thể sang giản thể, việc dạy và học chữ Hán, tình trạng tam sao thất bản Thông thư, Ngọc Hạp ký… khiến rất ít người có sách để tra cứu, sách dịch cũng có nhiều sai sót.
Vì vậy, muốn chọn ngày cưới phù hợp, cần tìm những người có thể giải thích được “vì sao phải kiêng kỵ, cơ chế sản sinh tốt – xấu hoặc điển tích các thần sát”; hoặc những người sẵn sàng trả lời “việc đó tôi chưa biết rõ, xin trả lời sau”… Hết sức cảnh giác khi “nghe nói thầy giỏi lắm”!
Với tất cả những vấn đề vừa nêu trên, bạn Hồng Duyên sinh năm Bính Dần (1986), chồng sắp cưới tuổi Nhâm Tuất (1982) có thể yên tâm tổ chức lễ cưới vào ngày mùng 8 tháng 2 âm lịch năm 2022, vì chọn tháng đại lợi theo tuổi cô dâu trước khi chọn ngày cưới là quan trọng nhất. Cưới vào tháng đại lợi là “Giá thú ngộ cát kỳ, vô chư cấm kỵ” (Cưới gả trong tháng tốt, không có cấm kỵ gì cả).
Việc thầy phong thủy nói đàn ông cưới nên tránh phạm cô hư và hòa thượng sát là đúng, nhưng lại nhầm lẫn trong trường hợp của bạn. Sách nói: Nam nữ sinh thuộc Giáp Tuất, cưới tháng 1 hoặc tháng 2 phạm cô hư; chồng sắp cưới của bạn tuổi Nhâm Tuất thuộc Giáp Dần, không phải Giáp Tuất.
Trường hợp của bạn Thu Hòa ở Xuân Trường (Nam Định) rất dễ giải quyết. Tuổi Đinh Mão (1987) cưới tháng Giêng là được tháng đại lợi. Ngày 17 tháng Giêng tức ngày Tân Mùi cưới là tốt nhất, vì ngày 19 (Quý Dậu) xung tuổi Đinh Mão; ngày 21 (Ất Hợi) phạm Bành Tổ kỵ nhật “Hợi bất giá thú”, sẽ hại tân lang (chồng).
Riêng về ngày 22 (Tam Nương sát), truyền thuyết nói rằng Nguyệt Lão không se duyên cho Tam Nương nên bà luôn chống lại Nguyệt Lão, bằng cách gây bất lợi cho cô dâu nếu nghênh hôn phạm ngày Tam Nương.
Mỗi tháng có 6 ngày Tam Nương: Mùng 3, mùng 7; 13, 18 và 22, 27. Nhưng như chúng tôi đã phân tích ở trên, ngày theo con số là ngày “giả Tam Nương”, phải căn cứ âm dương ngũ hành để xác định “Tam Nương thật”.
Cụ thể, nếu ngày 22 trong tháng là ngày Bính Ngọ thì phạm Tam Nương. Ngày 22 tháng Giêng năm 2022 là ngày Bính Tý nên không phạm Tam Nương.
Trường hợp cưới phạm ngày Tam Nương có thể hóa giải bằng bùa âm dương ngũ hành thông quan, âm dương ngũ hành bát quái (cô dâu đeo trên mình hoặc để ở đầu giường cưới). Phụ nữ Trung Quốc “đề phòng” Tam Nương bằng cách đội khăn trùm đầu màu đỏ.
Trên thực tế, khi đã chọn ngày cưới trong tháng đại lợi thì “vô chư cấm kỵ”. Chọn ngày cưới hỏi tuy phức tạp, nhiều quan điểm khác nhau, nhưng nếu cưới đúng tháng đại lợi, ngày “bất tương”, lại có Thiên Đức (dương), Nguyệt Đức (âm) và Tam Hợp, Lục Hợp (ngũ hành), Nguyệt Ân, Thiên Hỷ, Ích Hậu, Tục Thế,… thì mọi sát khí đều tự nhiên hóa giải, không có gì phải kiêng kỵ.
Theo Phan Vũ Mạnh Đức
(Tuổi Trẻ Thủ Đô)
--- Bài cũ hơn ---